“Đừng mong tất cả mọi thứ sẽ xảy ra như ước muốn, mà hãy ước rằng mọi thứ sẽ diễn ra như nó sẽ thực sự xảy ra – khi đó cuộc đời của ngươi sẽ trở nên thuận lợi.”
– EPICTETUS, ENCHIRIDION, 8
“Thật dễ dàng để ca tụng sự phòng bị cho tất cả mọi thứ có thể xảy ra nếu ngươi có hai phẩm chất: Một cái nhìn toàn vẹn về những gì thực sự xảy ra trong mỗi tình huống và sự biết ơn đối với những điều đó. Thiếu lòng biết ơn thì cái chúng ta nhìn ra có nghĩa lý gì, và nếu không nhìn ra thì chúng ta biết ơn điều gì?”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 1.6.1–2
Đôi khi có những chuyện mà chúng ta ước rằng nó chưa từng xảy ra. Cái nào dễ thay đổi nhất: Ý kiến của chúng ta hay những điều đã diễn ra trong quá khứ?
Câu trả lời quá rõ ràng. Chấp nhận những gì đã xảy ra và thay đổi mong ước của bạn rằng ước gì điều đó không xảy ra. Chủ nghĩa Khắc kỷ gọi đó là “Nghệ thuật của sự Quy phục” (Art of acquiescence) – Chấp nhận thay vì chiến đấu với những điều nhỏ nhặt.
Và hầu hết những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đều mở rộng khái niệm này. Thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận những gì xảy ra, họ khuyến khích chúng ta thực sự tận hưởng những gì xảy ra dù có là điều gì đi nữa. Nhiều thế kỷ sau, Nietzsche đã đưa ra cách diễn tả hoàn hảo để nắm bắt được ý tưởng này: Amor fati (Yêu lấy định mệnh của mình). Không chỉ đơn giản là chấp nhận, mà yêu tất cả những gì xảy ra.
Mong muốn mọi thứ xảy ra như cách nó cần phải xảy ra, đây là một cách thông minh để tránh bị thất vọng vì giờ đây không có gì trái với mong muốn của bạn. Nhưng bạn còn thực sự cảm thấy biết ơn vì những điều ấy đã xảy ra? Và yêu cái cách mà chúng đã đến với chúng ta để ta có cơ hội hoàn thiện? Đây chính là công thức cho hạnh phúc và niềm vui.