“Ngươi không thấy xấu hổ khi chỉ dành cho mình phần thừa thãi trong cuộc sống, và chỉ tu dưỡng trí tuệ khi thời gian đó không làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhà ngươi hay sao?”
– SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 3.5b
Ở một trong những lá thư của mình, Seneca có kể một câu chuyện về Alexander đại đế. Rõ ràng khi Alexander đi chinh phục thế giới, một số quốc gia chắc hẳn sẽ đưa ra một lời đề nghị là họ sẽ cống nộp cho ông một vài mảnh đất trong lãnh thổ của họ và đổi lại, ông hãy để họ yên ổn. Seneca viết, Alexander có thể sẽ nói với họ rằng, “Ta đặt chân đến châu Á không phải để nhận những thứ mà các ngươi có thể cống nộp, ta đến để quyết định xem các ngươi có thể giữ lại những gì”.
Theo Seneca, chúng ta cũng nên đối xử với triết học tương tự như vậy. Triết học không phải là nơi bạn dùng nốt thời gian hay năng lượng dư thừa sau khi làm xong các công việc khác; thay vào đó các công việc khác chỉ nên được làm sau khi việc học triết học của ta kết thúc.
Nếu cải thiện bản thân thực sự là điều mà chúng ta đang theo đuổi, vậy thì tại sao chúng ta lại bỏ dở việc đọc sách của mình và chờ đến khi chỉ vài phút trước giờ chúng ta tắt đèn đi ngủ mới bắt đầu lôi sách ra đọc? Tại sao chúng ta dành thời gian 8-10 tiếng mỗi ngày để đi làm hay đi họp mà lại không dành thời gian để nghĩ về những câu hỏi quan trọng? Một người, bằng một cách nào đó, xem TV trung bình 28 tiếng mỗi tuần – Nhưng nếu bạn hỏi họ có thời gian để học triết không, chắc có lẽ họ sẽ nói với bạn rằng “Tôi bận lắm, lấy thời gian đâu ra mà học ba cái thứ linh tinh”.