“Đấng sáng thế, đấng ban ra các quy luật của cuộc sống, đã đưa ra điều khoản là chúng ta có thể sống tốt đẹp nhưng không phải sống trong xa xỉ. Thứ gì cần thiết cho một đời sống tốt đẹp đều đang ngay trước mặt mỗi người, trong khi sự xa xỉ đòi hỏi bao phiền muộn và lo lắng. Chúng ta hãy tận hưởng quy luật này như một món quà của tạo hóa, và vinh danh nó như là những điều tốt đẹp nhất.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 119.15b
Ngay trong khi còn sống, Seneca bị chỉ trích vì việc rao giảng những đức hạnh Khắc kỷ, trong khi sở hữu khối tài sản được cho là rất lớn ở La Mã. Seneca giàu có đến nỗi, một số học giả đã đưa ra giả thuyết, rằng ông cho những người trú tại vùng bây giờ là nước Anh vay các khoản vay lớn đến nỗi gây ra một cuộc nổi dậy đẫm máu ở đó. Đám chỉ trích ông đặt cho ông biệt hiệu “Nhà Khắc kỷ giàu có.”
Phản ứng của Seneca rất đơn giản: Đúng là ông giàu có, nhưng ông không cần sự giàu có đó. Ông không phụ thuộc, hay bị ám ảnh về sự giàu có của mình. Mặc dù sở hữu khối tài sản kếch xù, ông còn không kết thân với những kẻ giàu có hay ăn chơi khác của La Mã. Cho dù lời giải thích duy lý của ông có thật hay không (hay ông có phải một tên đạo đức giả hay không), thì tư tưởng này cả ông vẫn là lời chỉ bảo hợp lý giúp ta có hướng đi đúng đắn trong xã hội coi trọng vật chất và sự giàu có như ngày nay.
Đây là cách tiếp cận về của cải rất thực tế, chứ không dựa trên đạo đức học.
Bạn vẫn có thể sống tốt mà không trở thành nô lệ của sự giàu có. Và bạn không cần đưa ra các quyết định khiến mình phải làm, làm nữa, làm mãi, quên cả việc học tập và chiêm nghiệm, chỉ để có tiền để chi trả cho những thứ bạn không cần. Không có luật nào nói rằng, thành công tài chính bắt buộc phải mang nghĩa rằng hãy sống vượt quá nhu cầu thực sự của mình.
Hãy nhớ: chúng ta đều có thể sống hạnh phúc, dù sở hữu rất ít.