“Lướt qua khoảng thời gian ngắn ngủi trên đời này trong sự hòa hợp với bản tính tự nhiên, và đến với nơi an nghỉ cuối cùng trong sự biết ơn — như quả ô liu chín mọng rồi cũng sẽ rụng, và khi rụng nó ca ngợi đất mẹ đã nuôi dưỡng nó và biết ơn đến cái cây đã sinh thành nó.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.48.2
Trong tác phẩm Meditations — Suy tưởng của Marcus Aurelius, có những đoạn văn đẹp một cách sững sờ — một sự thiết đãi bất ngờ, nếu ta nghĩ đến đối tượng mà ông hướng đến (cuốn sách này vốn chỉ để cho ông tự đọc). Trong một đoạn, ông ca ngợi vẻ “duyên dáng và cuốn hút” của chu trình tự nhiên: “bông lúa chín nặng trĩu, cái cau mày của con sư tử, bọt mép chảy nơi khóe miệng con lợn rừng.” Chúng ta cần cảm ơn người gia sư dạy thuật hùng biện cho cá nhân Marcus, là Cornelius Fronto, vì tính nghệ thuật trong những đoạn văn sinh động kể trên. Fronto, người được công nhận rộng rãi là một trong những nhà hùng biện giỏi nhất thành Rome cùng với Cicero, đã được cha nuôi của Marcus chọn để giảng dạy cách nghĩ, cách viết, cách ăn nói.
Không chỉ là những đoạn văn đẹp, Marcus – và bây giờ là cả chúng ta – còn nhận được từ họ một góc nhìn mạnh mẽ về những thứ thường ngày, thậm chí những thứ được coi là không tốt đẹp. Cần con mắt của một họa sĩ để thấy được sự tương đồng giữa lúc ra đi của mỗi người với việc quả chín rụng khỏi cây. Cần có nhận thức của một nhà thơ để ý thức được “những vết nứt trên vỏ bánh mì, và những vết nứt này, cho dù không nằm trong ý định của người làm bánh, cũng đã thu hút được ánh mắt và tăng sự thèm ăn của ta” và tìm được phép ẩn dụ trong đó.
Có một sự sáng suốt (và cả niềm vui) khi nhìn thấy những gì kẻ khác không thấy được, khi tìm thấy được sự hòa hợp và đẹp đẽ trong từng nơi, từng thứ mà kẻ khác chỉ nhìn lướt qua. Chẳng phải như vậy tốt hơn hẳn hơn so với việc chỉ nhìn thấy một thế giới tối tăm hay sao?