“Rất nhiều câu nói thuộc về Plato, Zeno, Chrysippus, Posidonius, và những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ xuất sắc khác. Ta sẽ cho ngươi biết cách mà họ chứng minh rằng những từ ngữ đó là của bản thân — bằng cách áp dụng những gì họ đã rao giảng.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 108.35; 38
Một trong những chỉ trích về Chủ nghĩa Khắc kỷ từ các dịch giả hiện đại, cũng như từ các giáo viên — đó là sự lặp lại. Chẳng hạn Marcus Aurelius đã bị phê bình bởi các học giả về việc phong cách viết của ông không độc đáo, mà giống với những triết gia Khắc kỷ ở thời kỳ trước. Lời chỉ trích này đã bỏ quên điều quan trọng.
Trước thời kỳ của Marcus, Seneca đã ý thức được rằng, có rất nhiều nội dung được vay mượn và lặp lại giữa các triết gia. Đó là vì các triết gia thực sự không quan tâm đến vấn đề bản quyền, mà chỉ quan tâm đến kết quả. Hơn nữa, họ tin rằng hành động quan trọng hơn lời nói.
Và điều trên vẫn đúng đến ngày nay. Bạn có thể vô tư sử dụng mọi từ ngữ hay câu nói mà các triết gia vĩ đại đã sử dụng, và sử dụng nó theo ý thích của mình (dù gì họ đều mất cả rồi, họ chẳng để tâm đâu). Bạn cứ vô tư chỉnh chỗ nọ, sửa chỗ kia, thay đổi theo ý bạn muốn. Hãy biến tấu cho phù hợp với tình huống thực, thế giới thực này. Điều duy nhất chứng minh được bạn hiểu được điều mình nói và viết, rằng những gì bạn giao giảng thực sự là đến từ bạn — đó là thực hành. Hãy chứng minh bằng hành động, chứ không phải cái gì khác.