“Thối nát và dối trá làm sao khi ai đó nói rằng họ chủ ý “nói thẳng với bạn.” Anh có ý gì đấy bạn hiền? Sự trung thực không cần phải nói ra, mà nó cần luôn được thể hiện như thể nó được khắc rõ trên trán, nghe rõ trong lời ăn tiếng nói, thấy rõ trong ánh mắt – được thể hiện rõ ràng như người được yêu cảm nhận tình yêu trong đôi mắt kẻ si tình. Nói ngắn gọn, một người tốt đẹp và thẳng thắn nên giống một con dê bốc mùi – ai cũng có thể nhận thấy sự tồn tại của người đó khi cùng ở trong phòng với mình.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.15
Chúng ta đều đã từng dùng những cụm này. “Tôi sẽ thẳng thắn với anh…”, “Thành thật mà nói…”, “Không có ý xúc phạm đâu, nhưng mà…” Dù có sáo rỗng hay không, những câu nói trên gợi lên câu hỏi: Nếu chúng ta sử dụng những câu nói này để chứng minh điều mình nói là trung thực và thẳng thắn, thế còn những lúc khác ta nói thì thế nào? Nếu bạn nói là bạn đang trung thực lúc này, liệu nó có nghĩa là những lúc khác bạn không trung thực sao?
Giả sử rằng, thay vào đó, chúng ta cố gắng sống và tích lũy danh tiếng trung thực của mình – sao cho nó minh bạch như trái phiếu chính phủ, rành mạch và dứt khoát như hợp đồng, và trường tồn như hình xăm. Bạn vừa đỡ tốn công sức hứa hẹn đảm bảo, người khác vừa đỡ thời gian nghi hoặc suy xét – và hơn nữa, bạn sẽ trở thành con người tốt hơn.