“Dưa chuột đắng? Thì ném nó đi. Có bụi gai trên đường? Thì đi vòng qua nó. Đó là tất cả những điều ngươi cần biết. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Đừng đòi hỏi phải biết ‘tại sao những thứ như vậy tồn tại.’ Bất kỳ ai hiểu biết sâu rộng về thế gian sẽ cười nhạo ngươi, giống như một người thợ mộc sẽ cười vào ngươi lúc ngươi bị sốc khi tìm thấy mùn cưa trong xưởng của anh ta, hoặc một người thợ đóng giày sẽ cười vào ngươi khi ngươi bị sốc khi thấy những mảnh da vụn còn sót lại sau khi anh ta xong việc. Thợ mộc và thợ giày sẽ có sọt rác để dọn dẹp mùn cưa và vụn da, nhưng cuộc đời sẽ không đem cho ta cái sọt rác nào.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 8.50
Chúng ta thường muốn mọi thứ phải hoàn hảo, vì thế ta thường đợi chờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa rồi mới bắt tay vào làm việc. Nhưng thực tế là nếu ta hành động ngay và tập trung ứng biến với hoàn cảnh để đạt được mục tiêu thì tốt hơn việc chờ đợi.
Marcus tự nhủ: “Đừng đợi cái hoàn hảo như mô hình Cộng Hòa của Plato.” Ông không mong chờ mọi sự phải trở nên chính xác như mình mong muốn mà tự tâm đã biết cái điều mà triết gia Công Giáo Josef Pieper sau này đã nhắc đến: “Bản thân ta vẫn có thể xoay sở tốt bất kể sự việc và hoàn cảnh xảy đến sẽ ra sao.”
Hôm nay, chúng ta sẽ không để sự hiểu biết hữu hạn của mình về thế giới ngăn cản mình làm điều tốt nhất; đồng thời cũng không để những phiền toái nhỏ nhặt cộng với những trở ngại vụn vặt ngáng đường ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình.