“Tin ta đi, niềm vui thật sự là điều rất quan trọng. Ngươi có nghĩ rằng ai đó có thể, với biểu hiện duyên dáng, gạt bỏ suy nghĩ về cái chết một cách dễ dàng? Hay mở cánh cửa dẫn tới nghèo đói, kiểm soát những thú vui, hay thiền định để chịu đựng sự đau khổ? Người thấy khoan khoái với những điều trên là người thật sự nắm được niềm vui đích thực, nhưng không phải người luôn hớn hở. Đây mới đích xác là kiểu niềm vui ta mong rằng ngươi có thể sở hữu, vì nó sẽ không bao giờ mất đi một khi ngươi đã trở thành chủ sở hữu đích thực.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 23.4
Chúng ta sử dụng từ “niềm vui” thật thường xuyên. “Đọc tin mà tôi vui quá chừng”. “Ở bên cô ấy toàn niềm vui”. “Dịp này vui ghê”. Nhưng không cái nào trong ví dụ này thật sự nói đến niềm vui thật sự. Chúng gần nghĩa với “phấn khởi” hơn. “Sự phấn khởi chỉ chạm đến bề mặt mà thôi.
Niềm vui, theo Seneca, nằm ở mức độ sâu sắc hơn. Nó là thứ ta cảm thấy ở bên trong mà gần như không dính dáng đến việc mỉm cười hay cười thành tiếng. Vì vậy khi người ta nói những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ là cố chấp và tiêu cực, thì có vẻ như họ đã hiểu sai vấn đề. Có ai quan tâm đâu nếu như một người nào đó đang háo hức khi đời đang đẹp? Đây là kiểu thành tựu gì cơ chứ?
Nhưng liệu rằng bạn có thể hoàn toàn mãn nguyện với cuộc đời, liệu bạn có thể dũng cảm đối mặt với những gì đời đem đến cho bạn mỗi ngày, bạn có thể bật lên từ mọi loại nghịch cảnh mà không chùn bước, bạn có thể trở thành cội nguồn của sức mạnh và cảm hứng cho những người xung quanh bạn không? Đây mới là niềm vui kiểu Khắc kỷ — niềm vui đến từ sự chủ định, sự xuất sắc, và nghĩa vụ. Đây mới là điều quan trọng — hơn là một nụ cười hay điệu bộ hăng hái.