“Hãy nhớ rằng không chỉ ham muốn tiền tài và địa vị làm suy yếu và khuất phục chúng ta, mà cả những ham muốn cho sự yên bình, nhàn hạ, du lịch và học hỏi. Bất kể thứ ngoại cảnh đó là gì đi nữa, những giá trị mà chúng ta dành cho nó sẽ khuất phục ta. Nơi ngươi đặt trái tim chính là nơi mà trở ngại sẽ hiện diện.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.4.1–2
Vậy Epictetus có ý muốn nói rằng muốn yên bình, nhàn hạ, du lịch và học hỏi là những điều xấu, phải không? Ơn trời, không phải vậy đâu. Nhưng những ham muốn mãnh liệt này — kể cả bản thân nó không xấu — cũng vẫn ẩn chứa những biến chứng tiềm tàng. Những điều ta ham muốn chính là những điều khiến chúng ta trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Dù cho đó là mong muốn có cơ hội được đi du lịch vòng quanh thế giới, hay là được làm tổng thống trong 5 phút yên bình và kín đáo, thì khi chúng ta dành quá nhiều mong muốn cho một điều gì đó, chúng ta đặt niềm tin vào những hy vọng mong manh, và rồi thất vọng là không thể tránh khỏi. Bởi vì khi có bàn tay của số phận nhúng vào, chúng ta càng dễ dàng đánh mất bản thân.
Theo Diogenes, một nhà triết học hoài nghi, từng nói, “Đặc quyền của Chúa, là ông ấy không có bất cứ ham muốn gì, và đặc quyền của những người tiệm cận với thần thánh, là ham muốn rất ít.”
Có ít ham muốn khiến một người trở nên bất bại — vì khi đó chẳng có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn cả. Điều này không chỉ đúng cho những ham muốn mà người ta vốn hay coi thường như giàu có hay danh tiếng — những kiểu cuồng vọng mà ta thường thấy trong các vở kịch và truyện ngụ ngôn kinh điển. Ánh đèn xanh mà Gatsby luôn nỗ lực để đạt được, có thể đại diện cho những thứ tươi đẹp như tình yêu hay một mục đích cao cả nào đó (Trong cuốn Gatsby vĩ đại — ND). Nhưng những thứ tươi đẹp như vậy cũng có thể huỷ hoại hoàn toàn một con người.
Khi cân nhắc những mục tiêu mà bạn đang nỗ lực vì chúng, hãy hỏi chính mình: Tôi có đang kiểm soát chúng, hay chúng kiểm soát tôi?