“Vận mệnh không có một tầm với xa, nàng chỉ có thể vòng tay bao vây những người ôm nàng thật chặt. Vì vậy hãy tránh nàng càng xa càng tốt.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 82.5b—6
Machiavelli, người được cho là ngưỡng mộ Seneca, nói trong cuốn The Prince (Hoàng tử — ND) rằng “Vận mệnh là một người phụ nữ, và để hạ gục cô ta, điều cần thiết là phải đánh bại và đấu tranh với người này.” Ngay cả trong thế kỉ mười sáu, hình ảnh đó cũng khá kinh hoàng. Nhưng đối với một người cai trị đầy tham vọng vô tận và tàn nhẫn, đó là điều dĩ nhiên. Đó có phải là lối sống bẩn thỉu mà bạn muốn không?
Bây giờ hãy so sánh quan điểm đó với quan điểm Seneca. Ông không chỉ nói rằng bạn càng đấu tranh với vận mệnh, bạn càng dễ bị tổn thương; mà ông cũng nói rằng con đường tốt hơn để bảo toàn là ở trong “bức tường bất khả xâm phạm” của triết học. “Triết học”, ông nói, nó giúp chúng ta chế ngự được “cơn cuồng điên của lòng tham và chế ngự sự ác liệt của nỗi sợ của chúng ta.”
Trong thể thao hay chiến tranh, phép ẩn dụ ở đây sẽ là sự lựa chọn giữa chiến lược tấn công bất tận, mệt mỏi và chiến lược phòng thủ linh hoạt, khéo léo. Bạn sẽ chơi cách nào? Bạn là loại người nào?
Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi đó. Nhưng bạn sẽ cảm thấy hối hận nếu không xem xét đến kết cục cuối cùng của các hoàng tử trong cuốn sách của Machiavelli — chỉ có một số ít đã nhắm mắt một cách hạnh phúc trên giường, trong vòng tay của những người họ yêu thương.